Văn hóa xã hội
I. TÊN GỌI:
- Chùa Thanh Nhàn là tên thường gọi theo địa danh thôn.
- Tên chữ là Sóc Sơn tự (chùa Sóc Sơn).
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH:
1. Địa điểm phân bố:
a. Trước đây:
Xa xưa Thanh Nhàn có tên nôm gọi là Kẻ Khốn, sau đó được đổi là Thanh Nhàn.
Trước Cách mạng Tháng 8, Thanh Nhàn và Thạch Lỗi là xã thuộc tổng Cổ Bái, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Sau Cách mạng Tháng 8 thuộc xã Tân Dân, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1952 thuộc xã Minh Tân, từ năm 1954 thuộc xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên; Năm 1968 tỉnh Phúc Yên đổi tên là Vĩnh Phú, năm 1977 Kim Anh sáp nhập cùng Đa Phúc thành huyện có tên mới là Sóc Sơn. Thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1978 Sóc Sơn nhập về Hà Nội. Từ đó đến nay được giữ nguyên tên và địa vực hành chính.
Xã gồm 8 thôn 2 TDC : thôn Na, Trung, Thanh Nhàn, Chợ Nga, Bái Thượng, Thạch Lỗii, Đồi Bến, Đồng Giá và hai tổ dân cư: khu dân cư phố Kim Anh và khu dân cư phố Thạch Lỗi. Xã có địa giới phía Đông giáp xã Quang Tiến; phía Đông Bắc giáp xã Hiển Ninh; phía Đông Nam giáp xã Phú Cường; phía Tây giấp xã Phúc Thắng (thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên); phía Tây Nam giáp xã Kim Hoa, Quang Minh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc); phía Bắc giáp xã Tân Dân.
b. Hiện nay: Chùa Thanh Nhàn thuộc thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Hình ảnh: Di tích Chùa Thanh Nhàn hiện nay
2. Đường đi đến di tích:
Chùa Thanh Nhàn nằm về phía Bắc của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km. Quí khách đến thăm di tích có thể đi theo các đường sau:
- Đường qua cầu Chương Dương hay Long Biên qua QL1 rẽ qua cầu Đuống đi QL3 đến ngã ba Phù Lỗ rẽ trái đi khoảng 11km là đến xã Thanh Xuân, đi dọc QL2 qua UBND xã Thanh Xuân 700m là đến chỗ rẽ vào đền, đền cách QL2 khoảng 500m.
- Đường qua cầu Nhật Tân đi qua sân bay Quốc tế Nội Bài, đến ngã tư Võ Văn Kiệt rẽ phải vào QL2 (hướng đi Phúc Yên), đi dọc QL2 qua UBND xã Thanh Xuân 700m là đến chỗ rẽ vào đền, đền cách QL2 khoảng 500m.
- Đường qua cầu Thăng Long đến đến ngã tư Võ Văn Kiệt rồi tiếp tục hành trình như trên.
Qua cầu Thăng Long đi đến quốc lộ 23 qua thị trấn Phúc Yên đến quốc lộ 2 khoảng 6 km rẽ trái đi khoảng 300m là tới di tích.
Các phương tiện giao thông sử dụng đều tiện lợi để đến di tích. Khoảng cách từ Đền đến sân bay Quốc tế Nội Bài là 4km.
III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ.
Thanh Xuân là một xã nằm ở trung tâm huyện ly Kim Anh cũ. Nơi đây tập trung nhiều làng cổ với các di tích lịch sử văn hóa mang đậm ý nghĩa lịch sử và truyền thuyết dân gian. Nổi bật là truyền thuyết về Thánh Gióng ở đền Thanh Nhàn, chuyện kể rằng: Trước đây đất này gọi là hương Thanh Khốn, sau khi Thánh Gióng đi qua nghỉ lại, múc nước uống thấy dân thôn An Bài yên vui, nhà cửa khang trang, vật thịnh, khung cảnh tươi tốt bèn đổi tên cho làng là Thanh Nhàn. Nơi đây còn nhiều địa danh có liên quan đến người anh hùng Gióng như các đỉnh núi; Đá chồng, Vay rồng, Mũi cày, Đá đen, Núi Dõm, Núi Chém tướng... Xung quanh khu vực xã Thanh Xuân và nhất là trên tuyến đường từ xóm chợ Nga đến núi Vệ Linh có rất nhiều dấu tích vết chân ngựa mà dân gian vẫn thường gọi là vết chân ngựa Thánh Gióng.
Hình ảnh: Khu vực thờ Tam thế trụ diệu pháp tâm (gọi nôm là ba ông Bụt ốc)
Trải qua bao đời cha ông ta đã chặt rừng lấp trũng, đắp đê ngăn nước, cải tạo đất đai tạo dựng nên xóm làng trù phú. Cùng với sự hình thành, phát triển của xóm làng, người dân nơi đây đã kiến tạo nên những công trình văn hóa tín ngưỡng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đó là những ngôi đình, đền, chùa trang nghiêm, cổ kính. Chùa Thanh Nhàn cũng như nhiều ngồi chùa cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ dựng lên không ngoài mục đích làm nơi tôn thờ đạo Phât.
Ngôi chùa chính là một sản phẩm văn hóá, một dấu tích vật chất theo những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đạo Phật đã giữ vai trò một ý thức hệ cơ bản góp phần tích cực để tập hợp lực lượng người Việt đứng dậy giành độc lập dân tộc ở cuối thời Bắc thuộc. Sau đó tới hàng nghìn năm, đạo Phật văn phát huy tính tích cực của nó, góp phần vào cuộc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Đạo Phật đi vào quần chúng bình dân một cách mạnh mẽ và hầu như để lại dấn ấn ở khắp nơi bằng những ngôi chùa. Điểm nổi bật của chùa Việt Nam là bao giờ cũng có xu hướng gần dân, ngoài một số chùa được dựng ở những địa điểm thắng cảnh thiên nhiên thì hầu như chùa nào cũng gắn với xóm làng. Tín đồ của đạo Phật chủ yếu là nông dân, nên chùa đã phản ánh đậm nét tư duy nông nghiệp, từ đó ta thấy được chùa là một trung tâm văn hóa của làng và chùa Thanh Nhàn là một trong số đó.
Chùa là nơi thờ Phật, một tôn giáo lớn được du nhập vào nước ta ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Bằng hệ thống giáo lý và tư tưởng luân hồi, giác ngộ, khuyến thiện của đạo Phật, sự hiện diện của ngôi chùa là nơi đem lại sự an lạc về tinh thần cho nhân dẫn địa phương.
Ngoài nội dung chính là thờ Phật, trong chùa còn phối thờ những người có nhiều công đức với di tích. Việc thờ cúng này vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và thể hiện truyền thống nhân bản, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" rất tốt đẹp của dân tộc ta. Bên cạnh đó trong chùa còn có nhà thờ Mẫu, một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ được lưu truyền và tồn tại đến nay. Tuy có nguồn gốc và nội dung thờ cúng khác nhau, song các tôn giáo, tín ngưỡng đều nhằm hướng con người đến điều thiện và tin vào một tương lai tốt đẹp.
IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH, NIÊN ĐẠI XÂY DỤNG VÀ NHỮNG LẦN TRÙNG TU SỬA CHỮA :
1. Loại hình di tích:
Chùa Thanh Nhàn là di tích văn hóa tôn giáo thờ Phật, đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Với những giá trị nổi bạt hiện còn của đi tích, có thể xếp chùa Thanh Nhàn vào loại hình di tích Lịch sử, nghệ thuật.
2. Niên đại xây dựng:
Di tích chùa Thanh Nhàn được xây dựng từ khá sớm, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay di tích không còn giữ được những tư liệu ghi rõ năm khởi dựng ngôi chùa. Để có thể xác dịnh niên đại tương đới cho sự có mặt của ngôi chùa, chúng tôi dựa vào các căn cứ sau:
Hiện nay trong chùa còn lưu giữ 4 bia đá trong đó có tấm bia "tu Phật tượng bi ký" niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) và 1 quả chuông đồng có niên hiệu Gia Long 18 (1819).
Như vậy, qua các cứ liệu nói trên, chúng ta có thể nhận định di tích chùa Thanh Nhàn được khởi dựng ít nhất ở đầu thế kỷ XVIII, sau đó được trùng tu sửa chữa nhiều lần vào thế kỷ XIX, XX.
3. Những lần trùng tu sửa chữa:
Theo tấm bia "Kỷ niệm bi ký" niên hiệu Bảo Đại 4 (1929) có nội dung ca ngợi công đức của vị tôn sư người xã Cự Đà, đã tự bỏ tiền của, lại hoạt động lòng thiện của thập phương, đứng ra tu bổ lại chùa, đổi mới tam bảo, từ đường... lại xây dựng lầu chuông, gác cao, quanh cảnh to đẹp, thật xứng đáng được ghi lại trên bia để lưu truyền mãi mãi.
Thời kỳ kháng chiến kiến trúc của chùa đã bị mai một đến đầu thế kỷ XX kiến trúc chính của chùa được trùng tu tôn tạo lại. Năm 2003 lát sân để di tích ngày một ấm cúng khang trang hơn. Năm 2005, nhà Mẫu được trùng tu tôn tạo lại.
Như vậy, chùa Thanh Nhàn được trùng tu từ thời Nguyễn và trải dải những năm gần đây.
V. KHẢO TẢ DI TÍCH:
1. Giới thiệu tổng thể:
Chùa Thanh Nhàn hiện toạ lạc trên một khu đất rộng ở phía bên phải của đền Thanh Nhàn di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1990. Các hạng mục kiến trúc chùa chính được bố trí theo hình chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: Sân chùa, chùa chính, nhà Mẫu và phía sau là khu vườn rộng trồng một số cây ăn quả, tạo cảnh quan và bóng mát.
Qua cổng nghi môn của đền Thanh Nhàn là một lối đi láng xi măng dẫn vào sân của đền và chùa, sân được lát gạch Giếng Đáy kích thước 30x30cm.
* Chùa chính:
Tiền đường: Gồm 4 gian hai chái, mái lợp ngói ta. Phía trước mở 4 cửa gỗ chia đều 4 gian, cửa làm kiểu ván bưng, bậc thềm xây tam cấp lát xi măng. Kết cấu kiến trúc gồm 5 bộ vì gỗ làm theo kiểu “quá giang tiền kẻ hậu bẩy”. Hai bộ vì gian chái làm cân xứng “chồng xà trụ chốn trên xà nách” về hai bên. Mỗi bộ vì được đặt trên hàng cột phía sau và tường hiện phía trước đỡ khung. Nền nhà lát gạch Bát kích thước (20x20) cm.
Thượng điện: Gồm 4 gian dọc nối liền với gian giữa tiền đường tạo thành chữ đinh. Kết cấu với 5 bộ vì theo kiểu “quá giang hạ kẻ” hai bên gối tường, có 2 hàng cột cái chính đỡ khung vì. Chính giữa xây bệ cao khoảng 2m với các bậc thấp dần từ trên xuống làm ban thờ, bên trên ốp gạch men hoa, nền nhà lát gạch.
* Nhà Mẫu: kết cấu kiểu chữ định.
Nhà tiền tế 3 gian, mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ định, phía trước mở ba cửa làm kiểu ván bưng, nền nhà lát gạch bát (30x30) cm. Bộ vì đỡ mái gồm có 4 bộ vì làm theo kiểu: “vì kèo quá giang”. Nối với gian giữa nhà tiền tế là hậu cung tạo thành chữ đinh. Hậu cung đổ mái bê tông tạo thành vòm cong.
* Bài trí tượng thờ trên tam bảo:
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác của làng xã Việt Nam, hệ thống tượng trên tam bảo của chùa Thanh Nhàn được bài trí như sau:
Tại tam bảo: Trên vị trí cao và sâu nhất là bộ tượng Tam Thế có tên đầy đủ là "Tam thế thường trụ diệu pháp thân" tượng trưng cho sự tồn tại của nhà Phật trên trục thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba pho tượng có kích thước và hình dáng giống nhau, không lớn lắm, có những tướng tốt đẹp lộ ra ngoài như: đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc nên dân gian gọi nôm là"ba ông bụt ốc", tai dài, tay dài, mặt tròn mặt nguyệt. Mắt khép hờ nhìn xuống, nhân chung sâu, miệng phảng phất nụ cười. Sống mũi tượng thẳng, hơi dẹt, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.
Lớp thứ hai: Ngồi giữa là tượng Di Đà Tam Tôn, ngồi trong tư thế thiền định- một vị Phật có sắc tướng "Biến hiện vô cùng" - “To lớn vô cùng” - vị phật được coi là giáo chủ của thế giới cực lạc ngồi trên tòa sen, hai bàn tay để ngửa trong lòng kết ấn thiền định, mình mặc áo pháp tồn tại vĩnh hằng với ánh sáng Phật pháp từ ngài toả ra để cứu vớt chúng sinh không gì che cản nổi. Cũng như các tượng ADiĐà khác của Phật giáo, tượng ADiĐà chùa Thanh Nhàn được tạo tác khá lớn, có diện mạo bất biến của ADiĐà xưa nay. Đó là kiểu ngồi thuyết pháp hai chân xếp bằng gọi là ngồi kiết già, hai tay để ngửa trong lòng đùi kết ấn thiền định, mình mặc áo pháp. Những quý tướng nói trong kinh Phật bộc lộ rõ ràng: khối u nổi trên đỉnh đầu (nhục kháo), tóc xoắn hình ốc, tai dài, cổ cao ba ngấn, khuôn mặt mang vẻ trầm tư, với đôi mắt nhìn xuống, dọc mũi thẳng, miệng thoáng nụ cười làm cho khuôn mặt rạng rỡ. Hai bên là tượng Quan Âm và tượng Thế Trí.
Lớp thứ ba là tượng Quan Âm Chuẩn Đề với ý nghĩa thấu tỏ mọi khổ nạn của chúng sinh và cứu độ chúng sinh. Tượng được tạo ngồi trên toà sen, có nhiều tay đặt trong tư thế cao thấp khác nhau, được lắp vào ở hai cạnh sườn phía sau. Độ mở của các cánh tay vừa đủ, để không che khuất pho tượng, cổ tay đeo vòng, cánh tay tròn lẳn với các ngón thon búp măng nhỏ dài vẫn giữ được nét mềm mại uyển chuyển. Hai bên là tượng Bồ Tát.
Lớp thứ tư: theo cách bài trí tượng cũng như mũ đội trên đầu, kiểu ngồi xếp bằng của tượng không thể hiện được là tượng gì, nên không có tên gọi cho tượng, hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. (Kim Đồng tức Kim điện đồng tử, từ nhỏ đã theo Phật xuất giá; Ngọc Nữ tức Ngọc gia nữ, con dâu ông Cấp - cô - độc trưởng giả, người nghe theo lời Phật, biết sám hối quy Phật).
Lớp thứ năm là tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào và tượng Bắc Đẩu, bộ tượng này nhằm giáo dục con người tránh ác hành thiện, để tránh bị trừng phật.
Lớp thứ sáu là toà Cửu Long - và phật Thích Ca sơ sinh, thể hiện lại khung cảnh ra đời của đức Phật Thích Ca. Ngài xuất hiện nơi trần thế với hình thức một trẻ nhỏ, nhưng đã thấm đượm một tinh thần khẳng định về phật pháp. Với hình tượng chú bé tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất, ẩn chứa trong đó câu nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". Trên trời, dưới đất chỉ có ta. Quanh tượng là những con rồng tượng trưng cho bầu trời mây linh thiêng phun nước tắm cho Phật. Hai bên là tượng Di Lặc và tượng Tuyết Sơn.
Trong các chùa Việt Nam, Đức Di Lặc được diễn tả thành tượng một vị có dáng thư thái, thanh thản, hết ưu tư của bậc tu hành sắp thành đạo thành Phật. Với miệng cười lạc quan, để vai và mình trần nhưng thân hình không gầy gò mà đẫy đà, tức là những dấu hiệu cho thấy ngài không phải lo buồn gì nữa (vì thế dân gian gọi ông “vô lo”).
Tượng Tuyết Sơn diễn tả Thích Ca Mầu Ni thời kỳ tu khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn (tức núi Hy-ma-lay-a). Trong 6 năm, ngài mỗi ngày chỉ ăn cầm một một hạt gạo và một hạt kê. Dù sống khổ hạnh nhưng đạo phật vẫn không thành, ngài nhận thấy lối tu đó không có ích gì nên đã ra khỏi núi Tuyết Sơn, tu theo lối khác. Để kỷ niệm những năm tháng quyết xả thân cầu đạo của ngài, người ta tạc hình thù một người gày gò chỉ có da bọc xương không hơn. Dân gian gọi nôm na là tượng ông “nhịn ăn để mặc”.
Sát tường hậu thượng điện hai bên bài trí hai pho tượng: Tượng Quan Âm Tống Tử và tượng Quan Âm Toạ sơn thần. Dọc hai bên Thượng điện là các pho tượng Thổ địa còn gọi là Kiên Lao Địa thần.
* Nhà tiền đường:
Bên trái, đầu tiên tiếp cận là ban thờ Đức ông người có công mua vườn của Thái Tử Kỳ - Ðà rồi thỉnh mời Phật Thích Ca và Chư tăng đến đây thuyết pháp giáo hoá cho chúng sinh. Ông đã phát nguyện ủng hộ Phật pháp, coi giữ các chùa chiền nên khi xây dựng chùa ở bất cứ nơi đâu cũng thường tạc thờ ông với tư cách là vị thần bảo vệ chùa chiền. Tượng được thể hiện như một quan văn đội mũ cánh chuồn mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị, hai bên là tượng hầu. Ở góc phải tiền đường là ban mơ Đức Thánh Hiền chính là ngài ANanĐà tôn giả, vâng theo lời dạy của Đức Phật làm nhiệm vụ phân phát cơm, cháo... cho các chúng sinh đói khát. Tượng được thể hiện đầu đội mũ tỳ lư có bảy cánh sen, mỗi cánh sen có hình Đức Phật (còn gọi là mũ thất Phật), hai bên là tượng Diệu Nhiên và Đại Sỹ.
Cạnh ban thờ Đức Ông là ban thờ tượng Hộ Pháp Trừng ác, đối với gian bên tả là ban thờ tượng Khuyến Thiện. Hầu hết các chùa đều bày hai pho tượng hình võ sĩ, mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay cầm binh khí, đứng trên lưng hai con sấu. Kích thước tượng rất lớn, Dân gian vẫn nói ‘to như ông Hộ Pháp”. Hộ Pháp tức là bảo hộ cho Phật pháp. Giáp hồi bên tả là 4 tấm bia đá gắn vào tường, giáp hồi bên hữu là ban thờ tượng Thánh Tăng, bên cạnh treo quả chuông đồng.
* Bài trí thờ tượng nhà Mẫu :
Hậu Cung : Xây bệ cao khoảng 1m2 làm ban thờ, nơi cao nhất giáp với hồi nhà là ban thờ tượng Tam Toà Thánh Mẫu, hai bên là tượng Cổ và tượng Cậu. Bên phải là tượng Thanh Tra và bên trái là tượng Giám Sát. Hàng thứ hai là tượng Ngũ vị tôn ông, hàng thứ ba ngồi giữa là tượng Quan Hoàng Bảy, bên hữu là tượng Quan Hoàng Bơ, bên tả là tượng Quan Hoàng Mười. Tiếp theo hàng cuối là tượng Cô và tượng Cậu được đặt tương xứng hai bên.
Tiền đường : Tại gian giữa nhà tiền đường bên trên là cửa võng đề 4 chữ Hán : “Mẫu nghi thiên hạ”, bên dưới là cửa võng được chạm thủng kết hợp chạm lộng với đề tài “tứ quý”, “tứ linh”. Gian bên hữu là ban thờ Chúa Thượng Ngàn hai bên có hai cô hầu. Gian bên tả là ban thờ tượng Quan Trần Triều, hồi bên tả là ban thờ tượng Đức Thánh Trần hai bên là tượng Cô và tượng Cậu.
VI. GHI CHÉP THÔNG TIN VỀ DI VẬT.
* Chùa Chính.
1. Nhà tiền đường: 01 Chuông đồng; 04 bia đá; 01 khánh đá; 01 cửa võng gỗ; 01 bức hoành phi sơn son thếp vàng; 05 bát hương sứ men trắng vẽ lam. Các di vật có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
2. Nhà thượng điện: 02 chóe sứ; 02 lọ lục bình sứ; 01 bát hương sứ; 05 lọ hoa sứ; 01 bát hương đồng; 03 mâm bồng gỗ sơn son thếp vàng; 02 chân nến gỗ sơn son thếp vàng; 01 câu đối gỗ sơn son thếp vàng. Các di vật có niên đại từ thế kỷ XX.
* Nhà Mẫu: 01 bức hoành phi; cửa võng gỗ; 01 hương án gỗ; 02 chân nến gỗ; 02 đài nước gỗ.
Bên cạnh đó chùa Thanh Nhàn còn bảo lưu được 48 pho tượng tròn trong đó có 03 pho tượng mẫu, 19 pho thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Các di vật này đã gắn bó chặt chẽ với di tích và càng làm tang thêm phần giá trị cho di tích.
VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC VÀ NGHỆ THUẬT.
Nằm về phía Bắc thủ đô Hà Nội, chùa Thanh Nhàn là một trong những di tích lịch sử văn hóa có niên đại xây dựng từ sớm. Trong quá trình tồn tại đó, chùa Thanh Nhàn cũng như các di tích khác trong vùng đã trải qua bao biến đổi thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Ngày nay, tuy di tích không còn vẻ cổ kính, sự bề thế vốn có trước đây, song những giá trị lớn về lịch sử, kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng được bồi đắp thêm.
* Về giá trị lịch sử:
Chùa Thanh Nhàn được xây dựng lên để thờ Phật, là nơi lưu giữ và chứng kiến những tấm lòng mộ Phật của nhân dân địa phương, là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, với những lẽ hội đặc sắc, những hoạt động văn hóa tinh thần đọc đáo, nơi duy trì củng cố mới quan hệ cộng đồng, nuôi dưỡng những quan niệm lối sống tốt đẹp, góp phần giáo dục các thế hệ kể tiếp, giáo dục lòng từ bi bắc ái, tinh thần yêu nước cho nhân dân địa phương, cũng như giáo dục đạo lý khuôn phép và cung cách ứng xử trong cộng đồng cư dân nơi đây.
* Giá trị kiến trúc nghệ thuật:
Chùa Thanh Nhàn là một trong những ngôi chùa hiện còn mang phong cách kiến trúc truyền thống. Nghệ thuật chạm khắc gỗ được tập trung ở cửa vống, hương án... với các đề tài trang trí tứ quý, tứ linh được bố cục cân đối, hợp lý được thể hiện khá công phu. Đó là một trong những họa tiết trang trí độc đáo phản ánh ý thức sùng bái tổ tiên của người Việt, tượng trưng cho nguồn gốc lịch sử của dân tộc.
Hệ thống tượng tròn trong chùa có kích thước không lớn, niên đại tạo tác từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, đó là những pho tượng khá chuẩn của nghệ thuật tạc tượng đương thời. Một số pho được tạo tác khá hoàn chỉnh như ba pho tượng Tam Thế, A Di Đà,... mỗi pho tượng được thể hiện bằng những nét khái quát riêng, phù hợp với tính cách của từng nhân vật hay pho Quan Âm Chuẩn Đề ra đời ở thế kỷ XIX.
Chùa Thanh Nhàn hiện còn bảo tồn được một hệ thống các di vật cổ gồm nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau như: bia đá, chuông đồng, khánh đá....là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng trong vùng, về sự tồn tại không thể thiếu trong đạo Phật trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân, về lịch sử Phật giáo Việt Nam và cả về lịch sử hình thành và phát triển của vùng quê Thanh Nhàn. Ngoài ý nghĩa là thờ Phật, chùa
Thanh Nhàn còn phối thờ Mẫu, tượng Mẫu ở chùa cũng được quan tâm chú ý nhiều của khách thập phương. Khác với điêu khắc Phật giáo, các pho tượng Mẫu ở chùa Thanh Nhàn mang đậm nét dân dã, tràn đầy tính nhân đạo vốn có của dân tộc ta.
Sự sinh động trên từng pho tượng là giá trị điển hình của nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống.
*Giá trị văn hoá khoa học:
Ngoài giá trị riêng đó, chùa Thanh Nhàn còn mang giá trị chung trong tổng thể hệ thống các di tích trong vùng. Với một cảnh quan, thoáng dăng và mang đậm không gian văn hóa truyền thống, cùng với ngôi đền của làng chùa Thanh Nhàn sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch trên tuyển tham quan về phía Bắc thành phố cùng với Loa Thành- Kinh đỏ của nhà nước Âu Lạc thời Thục An Dương và đền Gióng, đèn Sọ nơi thờ Thánh Gióng người có công đánh giặc Ân để bảo vệ đất nước.
Chùa Thanh Nhàn được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Thanh Nhàn tại Quyết định số 6709/QĐ-UBND ngày 24/12/2009./.
Bản đồ hành chính

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng quý I, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA UBND
- DI TÍCH NGHỆ THUẬT ĐỀN THANH NHÀN XÃ THANH XUÂN – HUYỆN SÓC SƠN – TP HÀ NỘI
- Công văn số: 2407 /UBND-QLĐT V/v Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn...
- Báo cáo số: 606/BC-UBND Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng...
- Công văn số: 2409/ UBND -QLĐT V/v hướng dẫn tổ chức thi công xây dựng công trình dân dụng tại các...
- Báo cáo số: 625/BC-UBND Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9, nhiệm vụ...
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HĐND
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng quý I, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021