Văn hóa xã hội

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐÌNH THẠCH LỖI XÃ THANH XUÂN – HUYỆN SÓC SƠN – TP HÀ NỘI
Ngày đăng 06/09/2024 | 03:51  | Lượt truy cập: 72

I. TÊN GỌI

Đình Thạch Lỗi là tên thường gọi của di tích theo tên thôn Thạch Lỗi. Tên nôm cổ xưa gọi là làng Luổi. Di tích hiện nay thuộc thôn Thạch Lỗi hay Thạch Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

 

 

 

 

Hình ảnh: Di tích Đình Thạch Lỗi ngày nay.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH - ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH.

1. Vị trí phân bố.

Đình Thạch Lỗi hiện nay thuộc thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trước CMT8, Thạch Lỗi là một xã thuộc tống Cổ Bái, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Sau CMT8 là thôn thuộc xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 là tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1977, Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất gọi là huyện Sóc Sơn tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1978, Sóc Sơn sáp nhập trở thành một huyện ngoại thành của Hà Nội.

Xã Thanh Xuân là một trong 25 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Xã có địa giới nằm về phía Tây Nam của huyện. Xã Thanh Xuân tiếp giáp với các xã: Tân Dân, Phú Cường, Quang Tiến, Hiền Ninh, Minh Phú của Sóc Sơn và 2 xã Quang Minh, Kim Hoa của Mê Linh.

2. Đường đến di tích.

Đình Thạch Lỗi năm về phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km. Ngôi đền cách 6 km về phía Tây – Tây Nam của UBND huyện Sóc Sơn, đi đường 131 sang QL2, đường đi là 11km. Từ Hà Nội, quý khách đến với di tích có thể theo nhiều đường, song có thể đi theo 1 trong 2 đường chính sau:

- Đường qua Cầu Nhật Tân đến đường Võ Văn Kiệt rẽ phải đầu QL2 đi khoảng 500m rẽ trái vào là đến Đình Thạch Lỗi.

- Đường qua cầu Thăng Long đến đầu QL2 thì tiếp tục như cuộc hành trình trên đi khoảng 500m rẽ trái vào là đến Đình Thạch Lỗi.

Để đến với di tích, quý khách có thể sử dụng tiện lợi tất cả các phương tiện giao thông đường bộ.

III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Thôn Thạch Lỗi nằm trong tam tổng cùng lễ về đền Thanh Nhàn, thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Ngôi đình làng thờ thành hoàng là thánh Tam Giang: Trương Hống, Trương Hát - những vị tướng giúp nước thời Lý Bí và Triệu Quang Phục vào thế kỷ thứ VI. Năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Lương đô hộ, anh em Trương Hồng, Trương Hát là những người theo về giúp sức đầu tiên. Quân Lương thua rút chạy về nước, nhờ công lao của rất nhiều tướng sĩ dưới quyền thủ lĩnh Lý Bí trong đó có thể nói đến những kế sách thuỷ binh giá trị của anh em họ Trương. Lý Bí lên ngôi vua, lập nước Vạn Xuân năm 544, đặt niên hiệu là Lý Nam Đế, anh em họ Trương được phong thưởng cấp thực ấp trông coi vùng Kim Hoa, Kinh Bắc. Anh em họ Trương ra sức phò giúp Triệu Quang Phục, hay Triệu Việt Vương khôi phục lại chủ quyền trong thời gian này. Do mắc mưu của Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục phải thua và mất. Lý Phật Tử thu phục anh em họ Trương lúc đó đã lui về vùng thực ấp ở ẩn để tránh đổ máu cho sinh linh. Anh em ông quyết định quyên sinh ở ngã ba Xà. Anh em họ Trương đã có câu nói khảng khái: “Tôi trung không phò hai chúa” khẳng định lòng trung vua yêu nước của mình. Đế nhớ công lao của hai ông, nhiều làng lập đền thờ anh em họ Trương, nhất là vùng có 3 con sông: (sông Thương, sông Cầu, sông Đuống), cho nên có tên gọi là thánh Tam Giang. Thạch Lỗi nằm cạnh sông Cà Lồ nhập dòng về sông Cầu, vùng có nhiều thôn, làng cùng thờ thánh Tam Giang làm thành hoàng làng.

Việc tôn vinh Đức Thánh Tam Giang được ca ngợi qua các câu đối treo trong đình như:

Trung Triệu hiển danh lưu quốc sử

Phù Lê chính khí tráng sơn hà

Dịch là:

Trung nhà Triệu lưu danh vào sử sách

Phù nhà Lê khí phách ngay thẳng với sơn hà.

Hay là:

Khước Tống bình Lương phương thanh trương nhật nguyệt

Cứu dân phù Triệu tiết liệt bạch sơn hà.

Dịch là:

Đuổi nhà Tống giữ nhà Lương tiếng thơm đến tận mặt trăng mặt trời

Cứu dân phù vua Triệu quan tâm giải phóng núi sông.

Đình Thạch Lỗi còn là nơi ghi dấu một số sự kiện cách mạng kháng chiến ở địa phương. Năm 1936 – 1939, đình Thạch Lỗi có lớp học “Sơ học yếu lược”. Trong CMT 8/1945 là nơi tổ chức các cuộc mít tinh hội họp chào mừng chính quyền cách mạng mới và Ủy ban hành chính kháng chiến được đặt tại đình.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Thạch Lỗi là nơi tập trung của bộ đội, dân quân tự vệ và là nơi bộ đội du kích trú ẩn thường xuyên mỗi khi đi, về hoạt động.

Theo các tài liệu ghi chép, đình Thạch Lỗi được khởi dựng vào cuối thời Lê thế kỷ XVIII và được tu bổ sửa chữa nhiều lần ở thế kỷ XIX – XX.

- Năm 1942, sau chiến tranh đại bái đình bị nghiêng, nhân dân tu sửa kê lại cho đứng và sửa cung chính tẩm.

- Năm 1949 bỏ sàn đình và chấn song xung quanh kiến trúc.

- Năm 1980 nhân dân cho xây tường xung quanh.

- Năm 1990 xây dựng nền đình.

- Năm 1991 sửa thay cửa bức bàn thành cửa ra vào cánh gỗ ghép.

- Năm 1995 xây sân gạch cho di tích.

- Năm 1997 sửa phần mái, thay các xà, hoành, dui.

IV. KHẢO TẢ DI TÍCH.

Đình Thạch Lỗi nằm giữa đất của thôn, hơi chếch về phía nam là dòng sông Cà Lồ. Ngôi đình được bao bọc bởi tường và rào ngăn riêng, nằm trên khu đất rộng có nhiều cây xanh tốt. Trước đây đình có hai nếp Tiền tế và Đại đình, nay chỉ còn toà Đại đình có bố cục kiểu chữ “nhất”. Đại đình gồm 5 gian dĩ có đao cong 4 mái lợp ngói ri toàn bộ. Đình có 48 cột gỗ tứ thiết, cột dài lớn, khung vì đồ sộ, thiết kế khung vì kiểu thượng thả kèo, trung hạ là kẻ trường. Các trang trí trên kiến trúc đại đình mang dấu ấn của nghệ thuật cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, bộ khung vì chắc khoẻ và bền vững. Hậu cung của đình được nâng chuỗi duộc ở ngay gian giữa của Đại đình và quây thành khám thờ. Mái làm chồng diêm hai tầng. Có đạo cuốn các góc thanh nhã. Phía trước chuôi duộc có cửa cấm cung làm cánh, nâng cao thành bậc thờ riêng, cao hơn hẳn nền đình.

V. NHỮNG DI VẬT CÓ TRONG DI TÍCH.

Đình Thạch Lỗi nằm ở vùng chiến sự ác liệt trong kháng chiến nên đã hư hỏng, mất một số cổ vật có giá trị như thần tích, bia đá... Ngôi đình hiện còn một kiến trúc đồ sộ, vững chắc, và niên đại của đình ít nhất được khởi dựng từ cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Di tích có kiến trúc đồ sộ, đẹp nhất hiện còn gìn giữ được trong vùng. Hiện nay, đình còn bảo lưu được một số đồ tế khí như long ngai bài vị thế kỷ XIX - XX; bài vị thờ thánh Tam Giang và bộ kiệu bát cống nghệ thuật thế kỷ XIX – XX, cụ thể:

  - Đồ gỗ:

+ Ba ngai thờ bài vị có kích thước 87x54x40cm được sơn son thếp vàng thuộc thế kỷ XX, được chạm khá cầu kỳ, tỷ mỷ các hình rồng, phượng, mặt hổ phù, hoa dây… Một bộ kiệu bát cống dung để rước trong ngày hội, chạm rồng sơn son thếp vàng, mang đậm nét nghệ thuật thế kỷ XIX. Kiệu có đòn dọc, đòn ngang trang trí đầu đuôi rồng, phần giữa đòn là chạm nổi hệ tứ linh, tứ quý.

  + Một án gian thờ nghệ thuật thế kỷ XX, sơn son thếp vàng, trang trí rồng chầu. Ba mâm ỉ thờ dung để đặt đài nước nghệ thuật thế kỷ XIX được sơn son thếp vàng, chạm rồng.

  + Hoành phi hai bức bằng sơn son thếp vàng. Câu đối 4 đôi gỗ sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.

+ Bốn ván gỗ chạm rồng trang trí nghệ thuật thế kỷ XVII-XIX.

+ Một bộ bát tửu, biển lệnh gỗ sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XX.

+ Một đôi hạc gỗ sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XX.

- Đồ giấy: Một cuốn thần tích sao lại.

- Đồ đồng: Một bộ tam sự nghệ thuật thế kỷ XX; một số ngữ sự nghệ thuật thế kỷ XX.

Ngoài ra còn có một số đồ thờ tự khác như: Bát hương, cây đèn, cây nến, lục bình sứ, y môn, tàn, tán, lọng…

VII. GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHOA HỌC NGHỆ THUẬT.

 Đình Thạch Lỗi là một di tích cổ có giá trị văn hóa lịch sử cao trong kho tang di sản văn hóa của dân tộc. Ý nghĩa to lớn của di tích được tỏa ra từ nội dung lịch sử và bản than khối kiến trúc hiện còn. Di tích được quy hoạch trên một khu đất rộng ở trung tâm thôn làng. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, hội họp của một làng quê.

- Về giá trị lịch sử:

Đây là một trong số những ngôi đình được xây dựng sớm ở nước ta, trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, sự trường tồn của ngôi đình qua nhiều triều đại đã chứng tỏ ngôi đình là sản phẩm, là báu vật mà lịch sử và tiền nhân để lại cho ngày hôm nay.

Đình Thạch Lỗi thờ Thành hoàng là Đức Thánh Tam Giang, vị phúc thẩn có công với nước với dân, bảo hộ phù trì giúp cho cuộc sống dân làng, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Việc thờ tự các vị thần là truyền thống đáng quý trọng của dân tộc ta, các vị thần được tôn vinh là những tấm gương sáng cho mọi thế hệ người dân noi theo để tự hào và đoàn kết chung xây cuộc sống.

Ngoài ra đình Thạch Lỗi cũng thờ Thánh Gióng – Phù Đồng Thiên Vương, một trong 4 vị anh hùng, tứ bất tử trong tâm thức của người Việt Nam.

- Về giá trị kiến trúc nghệ thuật:

Đình Thạch Lỗi là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc to đẹp của huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội còn lưu giữ đến ngày nay. Trải qua thời gian chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, đến nay di tích vẫn bảo lưu được nét đẹp truyền thống, giữ dáng vẻ cổ kính, tôn nghiêm của một ngôi đình cổ. Đình có quy mô lớn, nằm trên khu đất cao, thoáng ở giữa làng càng tôn thêm vị trí của vị thành hoàng làng.

Trang trí kiến trúc của đình Thạch Lỗi thực sự là tác phẩm có giá trị nghệ thuật độc đáo, có tính thẩm mỹ cao như các mảng chạm rồng, văn mây, văn thực vật, tứ quý…phản ánh ước mong của những cư dân nông nghiệp, mong cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, qua bàn tay khéo léo của nghệ thuật tạo tác, sự đa dạng phong phú của hình thức thể hiện đã trở thành những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu cho nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX.

- Về giá trị văn hóa:

Ngoài những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình Thạch Lỗi còn bảo lưu một số hiện vật như: Ngai thờ, bài vị, kiệu rước, hoành phi, câu đối…là những hiện vật quý của di tích. Nó là minh chứng giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà dân tộc học tìm hiểu về sự phát triển cư dân làng xã, về sự phân hóa giai cấp trong từng thời kỳ lịch sử của cư dân làng xã nơi đây. Bên cạnh đó các di vật góp phần quan trọng làm giàu them kho tang di sản văn hóa nước nhà.

Ngôi đình từ xa xưa là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, với những lễ hội truyền thống đặc sắc, những hoạt động văn hóa tinh thần độc đáo, nơi duy trì củng cố mối quan hệ cộng đồng, nuôi dưỡng những quan niêm về lối sống tốt đẹp, góp phần giáo dục các thế hệ kế tiếp, giáo dục long tự hào, tinh thần yêu nước cho nhân dân địa phương, cũng như giáo dục đạo lý khuôn phép và cung cách ứng xử trong cộng đồng cư dân nơi đây.

Đình Thạch Lỗi trong bối cảnh ven song Cà Lồ, với những đồi núi rừng cây sinh thái có giá trí, là điểm đến hấp dẫn trong tuyến thăm quan du lịch văn hóa ở Sóc Sơn và Hà Nội.

Qua các nội dung giá trị trên cho thấy, đình Thạch Lỗi là một di sản văn hóa có giá trị cần được bảo tồn và phát huy tác dụng. Ngày 28/9/2006, Đình Thạch Lỗi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 77/2006/QĐ-BVHTT./.

 

Bản đồ hành chính