Văn bản chỉ đạo của ubnd
I. TÊN GỌI DI TÍCH
Đền Thanh Nhàn ở xóm Trung thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Từ xưa vẫn chỉ có một tên gọi là đền Thanh Nhàn, địa phương có nhiều lần thay đổi tên gọi và địa vực hành chính.
Trước cách mạng thôn Thanh Nhàn gọi là xã của tổng Cổ Bái, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Cổ xưa hơn, huyện Kim Anh tên là Kim Hoá thuộc trấn Phúc Yên. Năm 1950 tỉnh Phúc Yên sát nhập với Vĩnh Yên với tên gọi là tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 Vĩnh Phúc sát nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1977 huyện Kim Anh sát nhập cùng huyện Đa Phúc thành huyện mới với tên gọi Sóc Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1978 huyện Sóc Sơn sát nhập về Hà Nội, đền Thanh Nhàn thuộc thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội kể từ đó.
Đền Thanh Nhàn còn có tên gọi là đền Tam Tổng vì ngôi đền thờ Phù Đổng Thiên Vương nhưng có 3 tổng đều phục vụ lễ hội và cùng thờ Ba tổng. Trước Cách mạng tháng 8 là các tổng:
- Tổng Cổ Bái gồm: xã Thanh Nhàn, Cổ Bái, Hiền Lương, Phù Lai và Thạch Lỗi là tổng sở tại.
- Tổng Kim Anh có các xã Khả Do, Xuân Vương, Xuân Mai, Thanh Lâm, Bạch Đa và Ngọc Trì.
- Tổng Gia Thượng có các xã Chi Đông, Gia Trung, Gia Thượng, Phù Trì, Bảo Tha.
Hình ảnh: Di tích Đền Thành Nhàn hiện nay
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH - ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH.
1. Địa điểm phân bố.
Đền Thanh Nhàn nằm ở vị trí trung tâm nửa về phía Tây Bắc của xã Thanh Xuân, thuộc địa phận xóm trung, thôn Thanh Nhàn.
Xã Thanh Xuân là một trong 25 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Xã có địa giới nằm về phía Tây của huyện. Xã Thanh Xuân tiếp giáp với các xã: Tân Dân, Phú Cường, Quang Tiến, Hiền Ninh, Minh Phú của Sóc Sơn và 2 xã Quang Minh, Kim Hoa của Mê Linh.
Huyện Đa Phúc thời Trần gọi là Tân Phúc, đời Lê đổi là Thiên Phúc, sau đó lại đổi thành huyện Tiên Phúc thuộc Châu Bắc Giang – Lộ Bắc Giang. Đầu thời Nguyễn đổi là Đa Phúc thuộc phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Năm 1831, thuộc tỉnh Bắc Ninh, năm 1903 thuộc tỉnh Phúc Yên. Năm 1913, Phúc Yên đổi lại thành đại lý Phúc Yên trực thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Năm 1923 lập lại tỉnh Phúc Yên gồm Phủ Đa Phúc, Yên Lãng và 2 huyện Kim Anh, Đông Anh.
Năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1968 là tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1977, Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất gọi là huyện Sóc Sơn tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1978, Sóc Sơn sáp nhập trở thành một huyện ngoại thành của Hà Nội.
2. Đường đến di tích.
Ngôi đền cách 8 km về phía Tây – Tây Nam của UBND huyện Sóc Sơn. Từ Hà Nội để đến với di tích, khách tham quan có thể đi bằng nhiều đường, song để tiện lợi có thể đi theo một trong các đường chính sau:
- Đường qua cầu Chương Dương hay Long Biên qua QL1 rẽ qua cầu Đuống đi QL3 đến ngã ba Phù Lỗ rẽ trái đi khoảng 11km là đến xã Thanh Xuân, đi dọc QL2 qua UBND xã Thanh Xuân 700m là đến chỗ rẽ vào đền, đền cách QL2 khoảng 500m.
- Đường qua cầu Nhật Tân đi qua sân bay Quốc tế Nội Bài, đến ngã tư Võ Văn Kiệt rẽ phải vào QL2 (hướng đi Phúc Yên), đi dọc QL2 qua UBND xã Thanh Xuân 700m là đến chỗ rẽ vào đền, đền cách QL2 khoảng 500m.
- Đường qua cầu Thăng Long đến đến ngã tư Võ Văn Kiệt rồi tiếp tục hành trình như trên.
Các phương tiện giao thông sử dụng đều tiện lợi để đến di tích. Khoảng cách từ Đền đến sân bay Quốc tế Nội Bài là 4km.
Hình ảnh: Đường vào Di tích Đền Thanh Nhàn
III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Đền Thanh Nhàn thờ tưởng niệm Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, nơi lưu lại sự kiện lúc đánh giặc thánh Gióng đã về qua đây nghỉ ngơi và lấy thêm quân trong dân làng. Thần tích của đền – Thiên vương linh tích được được ghi chép từ năm 1574 và sao lại 1741 hiện nay còn nguyên vẹn kể lại rằng:
Vào thời Hùng Huy Vương tức vua Hùng thứ 6 ở làng Phù Đổng có gia đình bà Tạ Thị Thuận ăn ở hiền lành phúc đức, nhân hậu song không vui vì mãi không có con. Về già bà mới sinh được 1 người con trai vào ngày 5 tháng giêng âm lịch. Người con trai có diện mạo khôi ngô, tuấn tú sắc diện phi thường song đã qua 3 năm mà chú bé vẫn chẳng biết nói cười. Lúc bấy giờ nước ta có giặc Ân sang xâm lược, bọn giặc thả sức giết người, cướp của gây nhiều tội ác dã man. Thế giặc rất mạnh tấn công tới tận đất Vũ Ninh. Vua Hùng lo lắng họp bàn với văn võ bá quan tìm cách chống giặc. Có quan Tân xin vua hạ chiếu đi khắp nơi, đến vùng kinh Bắc, quận Vũ Ninh, phủ Thuận An, huyện Quế Dương, hương Phù Đổng. Nghe tiếng sứ giả, chú bé thốt nhiên nói cười bảo mẹ mời sứ giả vào nhà. Chú nói với sứ giả nhà vua xin vua đúc cho một con ngựa sắt và một roi sắt để chú ra giúp nước. Sứ giả lĩnh ý về triều tâu vua, nhà vua vui mừng như nguyện sai đúc ngựa sắt, roi sắt mang đến cho chú bé. Chú bé đòi thử, nhảy lên cưỡi, ngựa sắt cử động phi như bay làm cho quân sĩ vô cùng kỳ lạ. Chú bé vụt lớn lên cao lớn dị thường tự xưng “Ta là Thánh Đổng” phi ngựa cầm quân ra trận.
Hình ảnh: Khu vực thờ thánh Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)
Vào ngày 6 tháng Giêng, tiệc mừng công lớn thắng trận giết trâu mở thưởng khao quân. Thánh Đổng cưỡi ngựa đến tổng Thiên Phúc, huyện Kim Hoa, hương Thanh Nhàn (Lúc bấy giờ có tên là hương Thanh Khốn) thì dừng người ngựa xuống nghỉ lại. Thấy dân thôn An Bài yên vui nhà khang vật thịnh khung cảnh tươi tốt dân làng từ hậu đã mệnh cho dân làng thờ mình mãi mãi về sau. Sau đó Thánh Đổng lấy 10 người cường tráng ở trong thôn làm gia thần cùng theo ra trận cho dân tiền của lập đền thờ Hậu.
Thánh Đổng dẫn quân tiến đến quận Vũ Ninh tiến thẳng vào đồn Phù Sơn trú quân của giặc. Người công niệm thần chú lôi phong hoá phép thần thông đánh cho giặc Ân tan tác. Quân Ân thua chạy hoảng loạn kêu lên “Vị Thiên tướng giáng”. Sau đó, người cưỡi ngựa đến núi Vệ Linh tức đền Sóc Sơn thì bay lên trời. Mọi người hoảng sợ tâu biểu lên vua. Vua nói: “Đã đánh giặc Ân rồi đó là công của Thiên tướng gíup cho, sắc chuẩn y cho thờ phụng ở các nơi thờ cúng Thánh Đổng, phong mỹ tự là Phù Đổng Thiên Vương”. Nhà vua cho phép dân làng Phù Đổng, Sóc Sơn (Vệ Linh và Thanh Nhàn)…lập đền thờ Ngài. Dân làng lập đền thờ tại chỗ nghỉ ngơi của ngài khi xưa, tức đồi Thanh Nhàn nơi ngôi đền thờ đặt hiện nay, xuân thu hàng năm vẫn phụng thờ hương khói.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng Giêng, đền thờ tổ chức ngày hội tưởng nhớ ngày Phù Đổng Thiên Vương đã qua đây mở tiệc khao quân và nghỉ lại trên đường đi đánh giặc. Dân làng còn lưu truyền truyện Phù Đổng Thiên Vương đổi tên cho làng, chuyện kể rằng:
Lúc trước đó làng có tên là Thanh Khốn khi đi qua nghỉ ở làng thấy cảnh đẹp an bài, dân khang vật thịnh, quang cảnh tươi vui, nhàn nhã đã đổi tên cho làng sang gọi là Thanh Nhàn và từ đó dân làng giữ đến tận bây giờ. Phù Đổng còn đặt tên con sông trước làng là sông Nguyệt Đức. Đến thời Pháp thuộc mới đổi thành sông Cà Lồ song nó vẫn có 2 tên song song cùng gọi.
Xung quanh làng nhất là trên tuyến đường từ xóm chợ Nga lên đến núi Vệ Linh đền Sóc Sơn có rất nhiều dấu tích vết chân ngựa mà dân gian vẫn thường gọi là vết chân ngựa Phù Đổng. Những ao chuôm chụm 4 có hình vết chân ngựa phi rất kỳ hình, trải qua thời gian đã bị lấp mất một số nhưng hiện tại còn tồn tại cho chúng ta suy thức hay về vị anh hùng văn hoá Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương.
Trong lịch sử cách mạng của địa phương, ngôi đền cũng là một vật chứng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương.
Ngôi đền trước và trong cách mạng T8 năm 1945 là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc mít tinh hội họp của phong trào Việt Minh tiền khởi nghĩa. Chính quyền CM thành lập cuối năm 1945 trong thời gian lụt đã lấy đền làm trụ sở làm việc, điều hành công việc xã hội và địa phương. Tại đền tổ chức lớp tập huấn luyện dân quân tự vệ của ta, nhiều cuộc họp mít tinh, những ngày lễ cũng được tiến hành ở đây. Sau này khi tạm chiếm ngôi đền là vật chứng của sự phá hoại, bọn thực dân và phản động đã phá đền lấy gạch xây bốt, phá nhiều đồ thờ tự nhất là đồ gỗ. Ngôi đền cùng chùa tới 100 gian bị phá gần hết.
Trong thời gian đó có một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân có qua lại hoạt động ở đây, các đồng chí cán bộ Đảng uỷ, UBND chính quyền địa phương đã trực tiếp tiến hành sơ tán các tài liệu thần tích sắc phong, chữ hán của đền. Những tài liệu bằng giấy đó đã được giữ gìn cẩn thận an toàn đến tận bây giờ việc giữ gìn di sản văn hoá đó cũng là bài học quí báu với lịch sử với ngôi đền và cách mạng địa phương.
IV. LOẠI DI TÍCH
Có thể xếp đền Thanh Nhàn là loại di tích nghệ thuật và danh thắng. Hai loại hình sẽ phản ánh giá trị của di tích, các giá trị sẽ bổ xung hỗ trợ cho nhau.
1. Giá trị về nghệ thuật: Với các di vật thờ quí đẹp như pho tượng thánh bằng đồng, đôi ngựa đồng, đôi rồng đá, chuông đồng, bia đá… là những tác phẩm nghệ thuật quí đẹp có giá trị lớn về nghệ thuật và mỹ thuật.
2. Giá trị về danh thắng: Từ xưa đến nay khu đền Thanh Nhàn là khu cảnh quan đẹp được lưu truyền ghi dấu và ca ngợi có tiếng của địa phương và các vùng xung quanh.
V. KHẢO TẢ DI TÍCH
1. Niên đại xây dựng, quá trình hư hỏng và sửa chữa
Niên đại: Ngôi đền đã có từ lâu theo sắc phong và bia ký ghi chép ở đền cuối TK 16 đã có, thần tích của ngôi đền cũng kể lại ngôi đền có từ lâu đời nhưng đến năm 1947 thực dân Pháp và tay sai đã phá hoại khu đền về phần kiến trúc. Tất cả chùa và đền có tới hàng trăm gian nhà, nhiều di vật thờ cúng bằng gỗ cũng bị chúng phá huỷ. Toàn khu vực đền chùa chỉ còn lại hậu cung hay cung đệ nhất là còn tồn tại. Cung đệ nhất hiện còn về niên đại được xây dựng đến nay khoảng 200 năm vì không có tài liệu thật chính xác nên không thể nói rõ nó làm năm nào.
Cung đệ nhị, đệ tam và chùa, cung tiền tế được khôi phục mới sau này trên nền cũ khi xưa, tam quan hiện không còn và chưa khôi phục lại.
- Cung đệ nhị làm năm 1967.
- Nhà mẫu của chùa bên phải cung đệ nhị làm năm 1968, chùa được khôi phục lại năm 1988.
- Cung đệ tam và nhà bán bình khôi phục năm 1988, cung tiền tế hoàn thành năm 1989.
2. Bố cục mặt bằng, miêu tả kiến trúc của đền:
Hiện đền Thanh Nhàn có 4 cung sắp xếp bố cục theo kiểu chữ tam, có hậu cung chuôi vổ ở đằng sau. Theo thứ tự từ phía trước vào thì có các cung theo thứ tự tên gọi là: Cung tiền tế, cung đệ tam, cung đệ nhị và cung đệ nhất tức hậu cung làm câu liền vuông góc dài về phía sau. Tất cả 4 cung đền đều là trên một nền đất thế và dọc theo thế cao lên của quả đồi. Hậu cung có 3 vì, 6 cột, các cột có đường kính 28-30cm được sơn son. Có 3 bộ vì kèo thiết kế theo kiểu kèo tuột, 2 trụ trốn đón thượng lương. Hai đầu cột thả bẩy gối tường có xà don ghép cột đè tường. Diện tích thông thuỷ là 6,4m x 6,5m = 50m2. Giữa lòng cột chính giữa hậu cung có một bục đá xanh cao 55m dài 2.4m rộng 2.1m, trên bục để tượng đức thánh. Phía trước có một bục gạch nhỏ hơn để các đồ tế lễ và làm lễ của khách thập phương. Từ hậu cung tức cung đệ nhất ra cung đệ nhị là tường xây có chứa 3 cửa, cửa chính giữa rộng, hai cửa bên hẹp hơn.
Ba cung đệ nhị, đệ tam và tiền tế cùng có diện tích 7m x 11,5m = 80m2 cùng có 3 gian 2 dĩ, gian chính giữa rộng 3,3, hai gian bên 2,6m và 2 dĩ 1,5m. Các vì của ba cung đều làm theo kiểu vì kèo của hậu cung. Kèo tuột quá giang gối cột có tiền kẻ hậu bẩy, bào trơn đóng bén kiểu thức đơn giản. Cung đệ nhị hàng cột trung tâm trước có chứa bậu ghép cửa ván bưng kín dưới trên ghép trấn song thoáng theo kiểu “thượng song hạ bản”. Cung đệ nhị và cung đệ tam được làm thoáng không xây tường. Cung đệ tam có xây gạch kín giá trước và chừa 3 cửa ở phía trước. Bên phải của cung đệ nhị là nhà mẫu của chùa, bên trái là nhà bá bình nơi nấu bếp và nghỉ ngơi của các cụ thủ từ. Cung đệ nhị có 3 cột, phía sau là cột gạch, cột hiên đơn giản ở phía trước đòn kẻ. Bâỷ của cung đệ tam có cột hiên đón, còn bẩy của cung tiền tế và kẻ của cung đệ tam gối lên tường không làm cột hiên đón. Các cung đều làm đầu hồi bít.
3.Nghệ thuật của các di vật quí trong đền
a) Tượng Đức Thánh:
Tượng Phù Đổng Thiên Vương bằng đồng được đặt chính giữa của cung đệ nhất tức hậu cung của đền. Pho tượng đúc liền với án ngồi thành một thể thống nhất. Án ngồi có kích thước 40cm, rộng 60cm, dài 11m, quanh 2 đầu án có trang trí trổ hoa văn cúc dây, pho tượng caocả mũ là 2,05m, ngang vai 72cm, dưới nếp áo ngang là 1,3m và từ sau ra trước là 1,05m ước chừng trọng lượng pho tượng khoảng 2,5 tấn kể cả án ngồi, so sánh với các pho tượng đồng khác của di tích ở Hà Nội như đền quan Thánh có tượng Trấn Vũ cao 3,7m nặng chừng 4 tấn được đúc năm 1667, tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh, Gia Lâm cao 3,8m nặng hơn 4 tấn đúc năm 1788, pho Adi đà chùa Ngũ Xá cao 3,95m nặng chừng 10 tấn đúc năm 1952, tượng Lý ông Trọng ở Chèm…tượng Phù đổng thiên vương ở đền Thanh Nhàn là một trong những pho tượng có trọng lượng lớn của Hà Nội. Niên đại đúc pho tượng này là năm 1595 tức năm Quang Hưng thứ 17, vì trên cơ sở bia khắc năm Đức long thứ 6 (1634) có ghi: “bà cung tần nội phủ của ninh khang thái vương là Trần Thị Ngọc Dụ pháp hiệu Hân trí thái phó vinh quận công muốn cầu công đức bỏ ra số của lớn xây dựng cung điện, dựng tượng Đức Sóc thiên vương…”.Nếu như vậy, pho tượng ở đền Thanh Nhàn có niên đại đúc sớm trong các pho tượng đồng có trọng lượng lớn của Hà Nội.
Pho tượng được bố trí ngồi ở tư thế thiết triều tĩnh tại khuôn mặt trẻ, hồn nhiên tươi mát, môi khép nghiêm nghị, tự tin, đôi tai dài như tai phật biểu hiện sự trường thọ, phúc hậu dài lâu, đôi tay dài duyên vừa bề thế, vai xuôi xuôi vừa phải, tay trái úp nhẹ lên đầu gối, tay phải ngửa lòng dang nhẹ nhàng như đang giảng thuyết, phải chăng thêm ý của người thợ đúc đồng muốn hoạ lại việc đức thánh nói chuyện với dân làng khi xưa. Trên đầu tượng đúc liền là mũ chính giữa có trang trí hoạ tiết rồng chầu chữ vương, hai bên là đôi cánh chuồn dài vừa phải, dưới chân là đôi hài mũi rồng khá dữ tợn. Trước ngực áo tượng đắp nồi vòng tròn thái cực với biểu hiện đôi rồng chầu mặt nguyệt, có nhiều hoạ tiết trang trí khác ở áo toàn thâncó các hình trang trí điểm xuyết như hoa hồng, hoa cúc mây vờn, quả lôi… những biểu tượng cầu mong mưa thuận gió hoà của dân cư nông nghiệp. Sau lưng xuôi bờ va iđôi phượng có biểu hiện thường thấy là hổ phù ngậm chữ thọ, cá chép vượt môn. Các nếp rủ ở tay và tà áo được tạo tác tự nhiên sống động vừa nghiêm trang vừa duyên dáng gây cho ta cảm giác thật là vui mắt.
b) Đôi ngựa thần mã hồng bạch đồng và quan giám mã gỗ
Cung đệ nhị có đôi ngựa thường được gọi là đôi thần mã hồng bạch được đúc bằng đồng. Về niên đại đúc có thể theo bia Đức Long 6 (1634), đôi ngựa được đúc năm 1595, cao 1,95m chỗ yên cao 1,3m, dài 1,8m, nặng chừng 1 tấn. So với các đình chùa khác của nước ta mới thấy xuất hiện dạng ngựa làm bằng gỗ, cốt mây đắp thì đôi ngựa này là đôi ngựa kim khí quí hiếm số 1 của nước ta. Đây là sản phẩm quí báu của kỹ nghệ đúc đồng mà chưa có nơi khác có ngựa kim khí to như vậy. Đôi ngựa được đúc đủ cả yên cương, hàm tiết trang trí công phu đẹp mắt, trên y cương dải yếm hàm thiết có hoa văn cầu mong cho sự thành đạt như: ống quyển hòm sắc hoa cúc hoa hồng hoặc hình lân phượng trên nền hoa văn chữ vạ. Chính giữa trán có hoạ tiết chữ thọ đắp nổi tạo sự trang nghiêm duyên dáng.
Bên cạnh đôi ngựa là 2 pho tượng vệ sĩ giám mã bằng gỗ, cao 1,7m mặt đượctạo dáng quắc thước nghiêm nghị, tay bắt quyết dũng mãnh, mình mặc áo giá thắt dải buông trước bụng thắt nút kiểu con do. Đầu đội mũ kim khôi làm khá cầu kỳ. Hai pho tượng được tạo tác về hình thể nét mặt toát lên khí thế trang nghiêm kiên cường.
3. Giá trị danh thắng của ngôi đền
Toàn bộ ngôi đền và ngôi chùa đều ngoảnh hướng Nam -Tây Nam trên một quả đồi lớn. Vượt qua cánh đồng là dòng sông Nguyệt Đức hiền hoà. Theo phong thuỷ thế ngôi đền được mệnh danh là bạch tượng ẩm thuỷ - có hình con voi trắng uống nước. Ngay trước đền là là hồ nước quanh năm sâu nước càng tôn cao quang cảnh đẹp cho di tích. Quả đồi của đền còn một số cây cổ thụ như đa, sữa, lộc…cũng góp phần tôn đẹp cho di tích. Theo các văn bia, bài minh, chuông từ thời Minh đến Nguyễn đều công nhận ngôi đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Thanh Nhàn là một cảnh đẹp có giá trị danh thắng vào bậc nhất vùng Kim Hoa, Kim Anh. Cùng với các đồi núi khác trong vùng như núi Nga, núi Sậu và dòng sông Nguyệt Đức, cánh đồng và làng xóm ôm quanh cho ta thấy đền Thanh Nhàn có giá trị về danh lam thắng cảnh. Ngôi đền lại làm trên một quả đồi cao rất dễ thấy từ các nơi và từ đường đi, quang cảnh phong quang rộng rãi càng làm cho giá trị danh thắng của di tích phong phú.
VI. THỐNG KÊ HIỆN VẬT TRONG ĐỀN
- 01 quyển thần tích: viết năm hoàng triều Hồng phúc nguyên niên (1574) do hàn lâm lễ vận động các dân học sĩ Nguyễn Bính soạn và nội các sứ bộ Tái tuân thể phụng sao chính bản năm 1741. Thần tích viết trên giấy gió đỏ mà không phải dễ thấy ở các di tích khác. Thần tích ở đền với tên “Thiên vương linh tích” là quyển thần tích hậu Lê, tài liệu có giá trị nhiều mặt.
- 07 bản sắc phong cổ nhất làm năm Chính hoà thứ 4 (1683) còn có các bản khác của năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Cảnh Hưng 1(1740), Chiêu Thống 1 (1787), Minh mệnh 2 (1821), Thiệu trị 4 (1844). Các sắc của các vua đều phong Phù đổng thiên vương làm thượng đẳng thần có kèm nhiều mỹ tự.
- 01 quyển mục dục, hương ước và các tục lễ ở địa phương.
- Pho tượng tưởng niệm đúc đồng trọng lượng 2,5 tấn, một tác phẩm đồng đồ sộ và có giá trị nghệ thuật, mỹ thuật.
- Đôi ngựa đồng trọng lượng tới 1 tấn là tác phẩm ngựa kim khí lớn nhất nước ta hiện nay và hai quan vệ sĩ giám mã gỗ.
- 02 bộ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng NT-TK 19, 01 kiệu bành trạm trổ đẹp.
- 02 ngai thờ gỗ sơn son thiếp vàng thờ Đức Quang, Đức Minh, Đức thánh tam giang từ đình của làng La chuyển về. NT tạo tác TK 19.
- 02 đôi rồng đá hậu Lê, 01 đôi mây hoá rồng, 01 đôi rồng nhân yên ngựa. theo tâm sbia dựng năm Đức Long (1634) có nói đến đôi rồng này nó được dựng năm 1629. Đôi ngoài là mây hoá rồng hoạ tiết trang trí phóng khoáng cách điệu tạo đẹp về tổng thể hình khối. Nét chạm trổ chấm phá song không đơn điệu, các vân mây xoắn thân rồng được làm cách điệu. Đôi rồng phía trong trước thềm cung tiền tế là rồng yên ngựa, râu tóc bờm và khuôn mặt dữ tợn áp chế như thường thấy ở các con rồng hậu Lê. Mũi rồng sư tử, mắt lồi, hàm chìa, đuôi rồng thắt khúc, các khắc đá được tạo dứt khoát và cách điệu. So sánh có nhiều đặc điểm giống đôi rồng ở cổng Văn miếu Hà Nội.
- Một bát hương đá NTTK 19 cao 40cm dày 10cm chạm trổ đẹp kỹ với đôi rồng chầu dáng khoẻ. Đây là một trong những bát hương hiếm thấy của ta.
- Có 3 tấm bia: Bia Đức Long thứ 6 (1634) có nhiều giá trị là bia của đền; 02 bia Đức Long thứ 2 (1733) và bia Nguyễn (1929) ở chùa Sóc Sơn.
- Chuông đồng có niên đại Gia Long thập bát niên (1820) cao 1,35m cả tai và đường kính đế là 85cm, có nhiều giá trị mỹ thuật (Bài minh có ý nghĩa về lịch sử di tích).
- 08 câu đối, 02 cuốn thư và có chép thơ nói rõ thêm công đức của Phù đổng thiên vương.
- 01 chuông nhỏ không khắc minh, có khắc 4 chữ “Sóc Sơn linh từ”.
- 01 chiếc khánh đá dài to nhưng đã vỡ đôi
VII. GIÁ TRỊ KHOA HỌC NGHỆ THUẬT VÀ VĂN HOÁ DI TÍCH
1. Về khoa học lịch sử
Hình tượng chú bé Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương từ xưa đến nay đã thấm sâu vào tâm khảm, quan niệm của dân tộc. Lịch sử nước ta ghi nhận hình tượng đó là biểu trưng cho truyền thống anh hùng bất khuất cảu dân tộc. Truyền thống thượng võ anh hùng, yêu nước, căm thù giặc đã ghi nhận và khắc sâu mãi mãi hình tượng Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Lịch sử và khoa học đã công nhận thánh Gióng là anh hùng văn hoá trong tứ bất tử bất diệt của dân tộc Việt. Đền Thanh Nhàn cũng tiếp theo với các đền đình, chùa Việt Nam minh chứng rõ hơn cho huyền thoại người anh hùng văn hoá này.
Bước chân oai hùng phù đổng là bài học là hình tượng vô cùng trang trọng của lịch sử xây và gìn giữ đất nước. Khu đền sẽ góp phần thêm cho tài liệu vật chứng, chứng minh cho hình tượng Phù Đổng Thiên Vương.
2. Giá trị về danh lam nghệ thuật và văn hoá
Với các di vật thờ cúng quí hiếm như pho tượng đức thánh bằng đồng, đôi ngựa đồng, bia đá, hai đôi rồng đá, thần tích hậu Lê 1741, sắc phong cổ… là những di vật quí ít nơi có. Kho của báu lại tập trung nói về đức thánh Phù đổng thiên vương vừa có giá trị nhiều mặt về khoa học, lịch sử nghệ thuật và mỹ thuật. Nhiều di vật là những tác phẩm nghệ thuật đẹp, quí hiếm. Đền Thanh Nhàn nằm trên quả đồi lớn, quang cảnh thoáng rộng nên thơ, từ xưa qua các tài liệu văn bia bài minh chuông đều coi di tích là 1 danh lam nhất vùng. Giá trị danh thắng qua thời gian và chiến tranh huỷ hoại nếu có phương án bảo tồn và tôn tạo gìn giữ tốt khu đền chắc chắn sẽ trở thành 1 danh lam đẹp hoà nhập vào khung cảnh nông thôn mới.
Trong phong tục hội lệ địa phương hàng năm biểu hiện nhiều truyền thống văn hoá quí báu của nhân dân ta, truyền thống thượng võ anh hùng của lễ kéo quân, kéo cờ, bơi chải, đua thuyền… truyền thống đoàn kết lao động cần cù coi trọng nhân dân và đạo đức sống, Khu đền đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc, nó cần được gìn giữ và phát huy, phục vụ thiết thực cho cuộc sống của con người.
Đền Thanh Nhàn được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử nghệ thuật Đền Thanh Nhàn tại Quyết định số 168-VH/QĐ ngày 02/3/1990. Trên cơ sở lưu trọng truyền thống của quê hương đất nước, các cụ phụ lão trong thôn vẫn phân công cùng giữ gìn bảo vệ ngôi đền. Đồng thời Đảng uỷ - UBND xã Thanh Xuân vẫn tổ chức một Ban bảo vệ quản lý di tích thực hiện đúng theo pháp luật của nhà nước./.
Bản đồ hành chính

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng quý I, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA UBND
- DI TÍCH NGHỆ THUẬT ĐỀN THANH NHÀN XÃ THANH XUÂN – HUYỆN SÓC SƠN – TP HÀ NỘI
- Công văn số: 2407 /UBND-QLĐT V/v Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn...
- Báo cáo số: 606/BC-UBND Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng...
- Công văn số: 2409/ UBND -QLĐT V/v hướng dẫn tổ chức thi công xây dựng công trình dân dụng tại các...
- Báo cáo số: 625/BC-UBND Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9, nhiệm vụ...
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HĐND
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng quý I, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021